Đề án 01

       TỈNH UỶ BÀ RỊA-VŨNG TÀU                                                                                         ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM  

ĐẢNG ĐOÀN HỘI NÔNG DÂN TỈNH                                                                              Vũng Tàu, ngày  27  tháng  8  năm 2012

                      *         

    Số:   01  /ĐA-ĐĐHNDT

      

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP,

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2012-2020 

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU 

 

Thực hiện Thông báo số 693-TB/TU ngày 23/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc: “Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” ;

Đảng Đoàn Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” cụ thể như sau:

I. MỘT SỐ VĂN BẢN CHÍNH LÀ CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN.

- Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” 

- Quyết định số 309-QĐ/TW ngày 07/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc: “Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” 

- Đề án 01-ĐA/ĐĐHND ngày 13/11/2009 của Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam về việc: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” 

- Quyết định số: 673/QĐ-TTg  ngày 10 tháng 5 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ về việc: “ Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

- Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

- Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 16/3/2009 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24-NQ/CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ và Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

- Quyết định số 3505/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh về vịêc: “ Phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020”.

- Quyết định số 5583/UBND-VP ngày 3-10-2011 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về vịêc: “ Chủ trương lập Đề án “ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. 

 

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM 

CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN 

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU .

 

Những năm qua, Hội Nông dân thể hiện vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân  của  tỉnh thông qua việc vận động nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “ Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau XĐGN và làm giàu chính đáng”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh”. Kết qủa, đến cuối năm 2011 đã có 48.670 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi các cấp. Mỗi năm có hàng ngàn hộ được Hội giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, có 72.301 hộ nông dân đạt danh hiệu “Gia đình nông dân văn hoá”. Thực hiện chủ trương từng bước thay đổi phương thức hoạt động, trong 10 năm, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và làm uỷ thác cho Trung ương Hội được 8.702 triệu đồng, giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay phát triển sản xuất. Hội chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT hàng năm hỗ trợ trên 1000 tỷ đồng vốn sản xuất cho trên 40.000 hộ hội viên, nông dân; tham gia tổ chức 82 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 3.587 lao động nông thôn và hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa hoc, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp... nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn.

Để xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh về chính trị và tổ chức, hàng năm các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch quy hoạch đội ngũ cán bộ gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở cũng còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Đến cuối năm 2011, có 16/164 chủ tịch, phó chủ tịch cơ sở Hội có trình độ đại học, 8/164 đồng chí có trình độ trung cấp. Các cấp Hội luôn chú trọng công tác vận động nông dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để phản ảnh kịp thời với Đảng, Nhà nước. Đồng thời Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nông dân và tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của nông dân; đề xuất với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Quá trình tổ chức hoạt động đã góp phần tạo nên sự lớn mạnh của Hội Nông dân các cấp, để Hội trở thành tổ chức Chính trị-xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Hiện có trên 90% số hộ gia đình ở nông thôn có người tham gia Hội Nông dân. 100% thôn ấp trong tỉnh đều có tổ chức Hội Nông dân. Đến cuối năm 2011 tỉnh đã có gần 90.000 hội viên nông dân. 

Để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, Hội luôn coi trọng công tác giúp đỡ, giới thiệu hội viên ưu tú là nông dân tiêu biểu, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân trẻ có năng lực để Đảng kết nạp. Đến cuối năm 2011 có tổng số 3.491 hội viên là đảng viên. Đồng thời Hội tham mưu cho các Cấp uỷ, Chính quyền trong việc hoạch định các chính sách, phối hợp giải quyết những kiến nghị của dân. Hội cũng chú trọng hướng dẫn hội viên nông dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở.

 

ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được.

- Dưới sự chỉ đạo của Cấp uỷ Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, Hội đã chủ động tập hợp nông dân xây dựng các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, phát huy tiềm năng, nguồn lực to lớn ở nông thôn, nông dân để phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần XĐGN, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp Nông dân vững mạnh. Thông qua công tác xây dựng Hội và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, Hội đã có  kiến nghị với Cấp uỷ Đảng, chính quyền nhằm bổ sung hoàn thiện một số chủ trương, chính sách, giải pháp…liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Thông qua việc thực hiện phong trào:“ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau XĐGN và làm giàu chính đáng”, Hội đã tập hợp và động viên được hàng chục ngàn hộ nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh; tập hợp được những nông dân tiên tiến thành lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; bước đầu hình thành các mô hình kinh tế trang trại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn có hiệu quả có thể trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế hợp tác; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn .

- Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, Hội vận động nông dân đóng góp một phần quan trọng vào xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn. 

- Hội đã bước đầu thực hiện một số hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp nông dân tháo gỡ được một phần khó khăn về vốn, về kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

- Hội đã tập hợp được đông đảo nông dân vào tổ chức Hội.Thông qua quá trình hoạt động, hội viên nông dân được nâng cao về nhận thức chính trị, củng cố tăng cường lòng tin của nông dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội.

- Tổ chức Hội được củng cố, phát triển; đội ngũ cán bộ Hội trưởng thành hơn cả về trình độ chính trị và chuyên môn. Sự phối hợp với các ngành chức năng, với chính quyền ở địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. 

2. Những thiếu sót, hạn chế

- Tuy đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân song chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hội. Hệ thống tổ chức Hội rộng khắp đến các thôn, ấp trong toàn tỉnh, với lực lượng cán bộ Hội đông đảo và trên 90 ngàn hội viên nhưng chưa phát huy hết được tiềm năng, tính chủ động, sáng tạo. Hội chưa thể hịên rõ vai trò trong việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh ở nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Nội dung, phuơng thức hoạt động của Hội còn chậm đổi mới, có nơi còn mang tính hành chính, một bộ phận cán bộ Hội các cấp còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp uỷ và sự điều hành của chính quyền trong hoạt động. Hội chưa thể hiện rõ vai trò tập hợp, tổ chức nông dân tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế -xã hội ở nông thôn; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Có lúc, có nơi chưa phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nông dân để Cấp uỷ, chính quyền có biện pháp giải quyết.

- Vai trò giám sát, phản biện của Hội còn hạn chế.

- Số lượng chương trình dự án do Hội chủ trì thực hiện còn quá ít. Hoạt động tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp chủ yếu là vận động chay nên thiếu sức cuốn hút. Quyền lợi khi trở thành hội viên Hội Nông dân còn rất hạn chế, khó cuốn hút người nông dân tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động.

3. Nguyên nhân của những thiếu sót, hạn chế.

- Hội Nông dân là một tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp nông dân, hoạt động không vì mục đích kinh tế song lại cần giúp nông dân phát triển kinh tế. Để thực hịên được điều đó, đi đôi với việc tuyên truyền, vận động cần phải có những chương trình, dự án cụ thể nhằm xây dựng mô hình và chuyển giao cho nông dân. Tuy nhiên, trước đây do chưa có cơ chế chính sách cụ thể nên các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất –kinh doanh của Hội chủ yếu dựa vào các Chương trình phối hợp với các ngành. Các hoạt động đó tuy đã có hiệu quả nhất định, đem lại một số lợi ích cho nông dân, nhưng mới ở phạm vi hẹp. Các hoạt động của Hội bị hạn chế do thiếu tính chủ động và những điều kiện cần thiết, nhất là về kinh phí.

- Năng lực của đội ngũ cán bộ Hội còn hạn chế, nhất là ở cơ sở, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tóm lại: Trong giai đoạn 2012-2020, trên cơ sở thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và  Quyết định số: 673/QĐ-TTg  ngày 10 tháng 5 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ về việc: “ Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; Việc thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện cần thiết để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ V.

 

 

Phần thứ hai

MỤC TIÊU NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM

CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIÊN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2012-2020

 

Hội Nông dân tỉnh xây dựng mục tiêu nhằm “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh BR-VT” như sau:

I. MỤC TIÊU TÔNG QUÁT.

Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Hội Nông dân tỉnh vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực sự trở thành trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng 60% số xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới. Nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất và đủ bản lĩnh chính trị đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ 

1.  Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015:

- 100% cán bộ từ tổ Hội trở lên được bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội và được trang bị kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên 50% cán bộ chủ chốt của Hội ( từ phó chủ tịch cơ sở Hội trở lên) được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. 95% cơ sở Hội, 85% chi hội, 80% tổ hội đạt vững mạnh và khá. Phát triển hội viên mới 5% trên tổng số lao động nông dân từ 18 tuổi trở lên chưa tham gia tổ chức Hội. Tỷ lệ hội viên đạt 95% so với số hộ nông dân trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân đạt số vốn trên 40 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh đạt 20 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện đạt trung bình 3 tỷ đồng trở lên trên 1 đơn vị. Tham gia dạy nghề cho 20% số lao động nông thôn trên tổng số lao động nông thôn của tỉnh có nhu cầu học nghề. Tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế-xã hội làm nòng cốt xây dựng nông thôn mới. Hàng năm có trên 30% số hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (theo tiêu chí mới). Trên 95% gia đình cán bộ hội viên đạt gia đình nông dân văn hoá.  Hội tham gia thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, góp phần giảm 20% số hộ nông dân nghèo theo tiêu chuẩn mới của tỉnh. Hàng năm mỗi cơ sở Hội giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp đảng ít nhất 2 đối tượng là cán bộ Hội, hội viên ưu tú, nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi.

2. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020:

 - 100% cán bộ từ tổ Hội trở lên được bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội và được trang bị kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên 70% cán bộ chủ chốt của Hội ( từ phó chủ tịch cơ sở Hội trở lên) được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên. 95% cơ sở Hội, 90% chi hội, 90% tổ hội đạt vững mạnh và khá. Tỷ lệ hội viên đạt trên 100% so với số hộ nông dân trên địa bàn. Đến năm 2020 Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 70 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh đạt 30 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện đạt bình quân 5 tỷ đồng trên 1 đơn vị. Tham gia dạy nghề đạt 30% số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề của tỉnh. Tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế-xã hội làm nòng cốt xây dựng nông thôn mới. Hàng năm có 50% số hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (theo tiêu chí mới). 98% gia đình cán bộ hội viên đạt gia đình nông dân văn hoá. Hội tham gia thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, góp phần giảm 30% số hộ nông dân nghèo theo tiêu chuẩn mới của tỉnh. Hàng năm mỗi cơ sở Hội giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp đảng ít nhất 3 đối tượng là cán bộ Hội, hội viên ưu tú, nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi.

 

Phần thứ ba

GIẢI PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM

CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIÊN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2012-2020

 

  I. GIẢI PHÁP TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả “ Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”; tăng hộ khá giàu, giảm mạnh hộ nghèo; hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phải đảm bảo: “Sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hoá trong thời kì hội nhập, tạo được nhiều việc làm cho ngưòi lao động. Biết liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển mô hình kinh tế trang trại, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã ở nông thôn”

 Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, trong những năm tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Tổ chức mở rộng các hoat động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân.

a. Hỗ trợ về vốn

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trên cơ sở đề nghị Chính quyền tiếp tục bổ sung kinh phí và huy động từ nhiều nguồn. Đầu tư Quỹ theo phương thức thực hiện các dự án kinh tế, tập trung xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng qui mô lớn, mô hình kinh tế hợp tác.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả thông qua các tổ vay vốn do Hội Nông dân thành lập. Mở rộng qui mô và sự dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Các cấp Hội (đặc biệt là cấp xã) chủ động giúp nông dân xây dựng các dự án kinh tế khả thi để tổ chức sản xuất có hiệu qủa, làm cơ sở để huy động các nguồn vốn phát triển sản xuất. Hướng dẫn, trợ giúp nông dân về trình tự thủ tục để người dân tiếp cận các nguồn vốn theo quy định.   

b. Hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng mô hình trình diễn có sức thuyết phục, có hiệu quả và có khả năng nhân rộng tại địa phương để nông dân tham quan học tập. Đối với nông dân  tốt nhất là học tập qua các mô hình trình diễn cụ thế bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Thông qua mô hình để nông dân mắt thấy, tai nghe và làm theo. 

- Mở rộng quy mô và đổi mới phương pháp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân. Tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thụât và công nghệ phải gắn liền với hoạt động sản xuất của nông dân và đựơc xuất phát từ từng khâu kỹ thuật sản xuất và mô hình, thực tế trên đồng ruộng, chuồng trại.

Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương( khoá X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cơ chế chính sách tạo điều kiện của Chính phủ, Hội chủ động xây dựng các chương trình, dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để trực tiếp thực hiện việc chuyển giao khoa kĩ thuật cho hội viên, nông dân.

Tiếp tục phối hợp với các ngành, các nhà khoa học tham gia vào các chưong trình, dự án liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng, chuyển giao khoa học kĩ thuật và công nghệ.

c. Dịch vụ cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho nông dân:

Hội Nông dân có chương trình, kế hoạch cụ thể để phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, máy móc cho nông dân đảm bảo chất lượng theo phương thức trả chậm không tính lãi.

Hội Nông dân thực hiện các hoạt động như hỗ trợ vốn, hỗ trợ xây dựng các mối liên kết để nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất.. hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, nâng cao năng lực của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân để tham gia tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

d. Dịch vụ hỗ trợ thông tin:

Nâng cao năng lực truyền thông của Hội, phối hợp mở rộng dịch vụ thông tin giúp nông dân tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, các quy định của pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thông tin về khoa học kỹ thuật và công nghệ, thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hoá…..

Trên cơ sở Chương trình phối hợp với các ngành chức năng, xây dựng các dự án nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin, khai thác sử dụng mạng Internet phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

e. Dịch vụ hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hoá.

Phần lớn nông sản trong tỉnh chưa có thương hiệu, mẫu mã bao bì chưa phù hợp, nông sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, chỉ số cạnh tranh thấp. Hội cần tuyên truyền và có biện pháp hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá.

2. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia “ Liên kết 4 nhà”, các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá qua hợp đồng. Hội cần tập trung vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia “Liên kết 4 nhà”, thực hiện Quyết định của Thủ tướng.

Phát triển kinh tế hợp tác cũng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân. Trong thời gian tới, để phát triển các mô hình kinh tế hợp tác Hội cần tập trung thực hiện một số hoạt động:

- Tuyên truyền phổ biến để nông dân hiểu rõ con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Vận động nông dân liên kết sản xuất theo hướng phát triển quan hệ liên kết với các chủ trang trại, các cơ sở chế biến, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, các cơ sở nghiên cứu khoa học ứng dụng- chuyển giao công nghệ…

- Hội phối hợp với Liên minh hợp tác xã nhân rộng những mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

3. Vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, hình thành những vùng sản xuât tập trung.

Các cấp Hội trong tỉnh cần đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch của tỉnh, tận dụng được lợi thế so sánh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, hình thành những vùng sản xuất có quy mô lớn, tập trung.

II. GIẢI PHÁP TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỈNH

 Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào “ Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, căn cứ điều kiện cụ thể của tỉnh, Hội Nông dân tham gia Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh với các giải pháp sau:

1. Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng và tổ chức giám sát việc thực hiện quy hoạch tại địa phương:

Với vai trò là đại diện cho giai cấp nông dân, các cấp Hội cần chủ động, tích cực tham gia việc xây dựng và giám sát quá trình thực thi Quy hoạch để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

2. Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong HV, ND Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và Đề án Xây dựng nông thôn mới của tỉnh; từ đó định hướng cho nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

3. Tham gia thực hiện một số tiêu chí trong nội dung Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hội tham gia phối hợp thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong đó, các cấp Hội  chủ động tham gia thực hiện một số tiêu chí cụ thể sau:

        - Tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất

        Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số theo phương thức “ Cầm tay chỉ việc”, “Nông dân giúp nông dân”. Tiến hành tổng kết đánh giá các mô hình sản xuất mới, mô hình giảm nghèo do Hội hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính quyền, Hội tiếp tục vận động nông dân phát huy nguồn lực và sức mạnh cộng đồng để nhân rộng mô hình sản xuất mới, hiệu quả; mô hình giảm nghèo ở nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tiêu chí về bảo vệ môi trường nông thôn

 Hội Nông dân thực hiện vai trò trung tâm trong việc bảo vệ môi trường nông thôn thông qua việc tích cực tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên nông dân về bảo vệ môi trường nông thôn, tham gia vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng các mô hình xử lý rác thải, chất thải tại hộ hoặc nhóm hộ nông dân….

- Góp phần  xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh.

Xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Hội tham gia tích cực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền cơ sở; góp phần xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh.

III. GIẢI PHÁP TRONG XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN.

1. Tham gia đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức dạy nghề cho nông dân.

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn lực ở nông thôn. Hội trực tiếp tham gia tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân; đồng thời tham gia vào công tác tuyên truyền, giám sát công tác dạy nghề cho nông dân ở địa phương, cơ sở, thông qua một số nội dung:

- Tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề và việc làm giúp cho lao động nông thôn nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, từ đó tích cực tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

- Khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nghề, từng khu vực, từng cấp trình độ đào tạo nghề để đề ra kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn một cách thiết thực, phù hợp.

- Củng cố, hoàn thiện Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh. Tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và mở rộng qui mô dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Kiểm tra, giám sát chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và hỗ trợ nông dân phục vụ yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

2. Tham gia phản biện xã hội và tham mưu cho cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hội tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và Nhà nước. Nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của nông dân với cấp uỷ Đảng và Chính quyền trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực đóng góp ý kiến tham mưu cho Đảng, đề xuất với chính quyền những cơ chế, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

3. Xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh

Để thực sự là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, Hội tiếp tục chú trọng thực hiện các nội dung:

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nông dân,  tiếp tục tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân.

- Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Hội ở cơ sở vì cơ sở Hội là đầu mối, trực tiếp tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động của công tác Hội và phong trào nông dân. Đây là tổ chức hành động của Hội.

- Phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hội viên. Hội viên được tổ chức sinh hoạt thường xuyên với những nội dung sinh hoạt được đổi mới, thiết thực, phù hợp và có sức hấp dẫn hội viên tự giác tham gia. 

- Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, năng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp Hội, nhất là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đọan cách mạng mới.

- Tăng cường công tác kiểm tra để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Ban Chấp hành các cấp Hội, thực hiện Điều lệ Hội, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình công tác Hội.

 

Phần thứ tư

CÁC DỰ ÁN NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM

 CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIÊN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BR-VT GIAI ĐOẠN 2012-2020

 

I. CÁC DỰ ÁN DO HỘI CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

1. Dự án: “ Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”

a. Mục tiêu: Mở rộng qui mô vốn, phấn đấu đến năm 2015 Quỹ Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân) cấp tỉnh đạt 30 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện đạt trung bình 3 tỷ đồng. Đến năm 2020 Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đạt 35 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện đạt trung bình 5 tỷ đồng. Đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân  theo hướng xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân chuyên nghiệp, đảm bảo giải ngân vốn an toàn, thuận lợi, ngày càng thỏa mãn nhu cầu vốn của hội viên, nông dân, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

b. Nội dung dự án:

* Tăng nguồn vốn:

- Tăng nguồn vốn trên cơ sở đề nghị trích Ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố (gọi chung là cấp huyện):

+ Cấp tỉnh: đề nghị UBND tỉnh trích Ngân sách hỗ trợ xây dựng quỹ; mức hỗ trợ là 30.000.000.000 đồng ( Ba mươi tỷ đồng) theo lộ trình 4 năm. Năm 2012 là 10 tỷ đồng, 2013 là 10 tỷ đồng, hai năm sau mỗi năm trích ngân sách bổ sung 5 tỷ đồng.

+ Cấp huyện: UBND các huyện, thị xã, thành phố trích Ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng Quỹ cấp huyện. Mức hỗ trợ đến năm 2015 cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện đạt trung bình 3 tỷ đồng. Đến năm 2020 đạt trung bình 5 tỷ đồng.

- Tăng nguồn vốn bằng biện pháp đề nghị tỉnh ủng hộ mỗi năm một kỳ Sổ số kiến thiết.

- Tăng vốn do trích lập quĩ bổ sung nguồn vốn trong quá trình hoạt động.

- Tăng nguồn vốn bằng biện pháp vận động các nguồn ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Tăng nguồn do hoạt động nhận uỷ thác từ Hội cấp trên, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất- kinh doanh cho hộ nông dân, nhóm hộ nông dân, các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất .

* Đổi mới hoạt động Quỹ: 

- Quỹ có pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng.  

- Nguồn vốn của Quỹ được sử dụng hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, liên kết sản xuất nông sản hàng hoá an toàn, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ hàng hoá cho nông dân…

- Hỗ trợ nhân rộng nghề, chuyển đổi nghề mới, giải quyết việc làm cho hội viên và lao động nông thôn.

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

 Xây dựng Dự án: “ Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân” cụ thể để tổ chức thực hiện:

- Tham mưu cho UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ra quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố, ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân ” và cấp ngân sách hỗ trợ xây dựng Quỹ các cấp.

- Củng cố, kiện toàn Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và cấp huyện nhằm đảm bảo quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng quy định của pháp luật, đúng “Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân ” của tỉnh; bảo toàn và gia tăng nguồn vốn trong quá trình hoạt động; 

- Tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo đúng “Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân ” đã được UBND tỉnh ban hành.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý Quỹ cho cán bộ quản lý, điều hành Quỹ các cấp.

- Phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc quản lý, điều hành và sử dụng nguồn vốn Quỹ đúng quy định, hiệu quả cao.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm: 9.032.000.000 đồng 

Trong đó: - Kinh phí đề nghị ngân sách địa phương hỗ trợ: 7.744.000.000 đồng

                 - Kinh phí tự có: 1.288.000.000 đồng

2. Dự án: “Tăng cường, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh”.

a. Mục tiêu:

- Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dich vụ và dạy nghề cho nông dân; Tham gia dạy nghề tại chỗ, ngắn hạn cho nông dân theo Quyết định số: 673/QĐ-TTg  ngày 10 tháng 5 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ. 

- Giúp nông dân, nhất là nông dân nghèo, nông dân có trình độ văn hoá thấp, nông dân ở các vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với KHKT và công nghệ mới trong sản xuất-kinh doanh. Nhân rộng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Giới thiệu giống cây, con phù hợp với điều kiện sản xuất và quy hoạch của tỉnh.

b. Nội dung dự án:

* Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh:

 Đầu tư xây mới trụ sở và bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đảm bảo điều kiện để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân bằng nguồn vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ.

* Tham gia dạy nghề tại chỗ, ngắn hạn, dạy nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho nông dân: 

- Hàng năm căn cứ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, căn cứ vào chỉ tiêu số lao động cần được đào tạo nghề theo quyết định của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tham gia đào tạo các nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp, nghề truyền thống của các làng nghề theo chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng, dạy nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc… cho  từ 10-20% số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề. 

- Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho 3 - 5 giáo viên cơ hữu nhằm đảm bảo đội ngũ cần thiết cho công tác dạy nghề của Trung tâm.

  - Xây dựng các mô hình điểm về giống cây trồng vật nuôi mới có giá trị kinh tế và đạt hiệu quả cao nhằm nhân rộng và phục vụ việc tham quan, thực hành trong đào tạo nghề.

- Hàng năm, tổ chức từ 10-12 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng về tuyên truyền dạy nghề và học nghề, cho đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ chi, tổ Hội Nông dân nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền về dạy nghề và học nghề theo quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

* Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cho nông dân:

- Tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân học tập kinh nghiệm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở trong ngoài và nước.

+ Hàng năm tổ chức 1 đoàn nông dân, mỗi đoàn từ 25-30 người đi học tập kinh nghiệm trong nước theo phương thức nông dân tự đóng góp 30% kinh phí, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí.

+ Hàng năm tổ chức 1 đoàn nông dân, mỗi đoàn 20-25 người đi học tập kinh nghiệm nước ngoài tại các nước trong khu vực theo phương thức nông dân tự đóng góp 50% kinh phí, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí.

* Tham gia thực hiện một số hoạt động trong các Chương trình, dự án phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các Ban, ngành của tỉnh.

 c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Xây dựng Dự án “Tăng cường, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh” để tổ chức thực hiện:

-  Xây dựng Kế hoạch, trình UBND tỉnh hỗ trợ mặt bằng và kinh phí giải phóng mặt bằng, đề nghị Trung ương Hội NDVN đầu tư xây mới trụ sở và bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm, tiến hành các thủ tục để xây dựng Trung tâm.

- Hàng năm Hội xây dựng Kế hoạch thông qua Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm:  1.968.000.000 đồng

Trong đó: - Kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ: 1.678.000.000 đồng

                 - Kinh phí dân tự đóng góp: 290.000.000 đồng

3. Dự án: “Thành lậpTrung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân”.

a. Mục tiêu: Thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật cho nông dân là một đầu mối của Hội thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; là đầu mối huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật của hệ thống Hội Nông dân các cấp; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân và thực hiện tốt chức năng của Hội là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

b. Nội dung dự án:

* Hình thành bộ máy tổ chức Trung tâm:

- Bộ máy của Trung tâm gồm có: 1 Giám đốc kiêm nhiệm, 1 Phó giám đốc chuyên trách, 02-04 cộng tác viên là tư vấn viên pháp luật.

- Xác định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

* Phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trung ương Hội, các ngành chức năng trong tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội.

* Hợp tác với các ngành chức năng, tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật và các tổ chức hữu quan khác thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân.

 * Xây dựng Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật và mạng lưới cộng tác viên pháp luật ở cơ sở.

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Xây dựng Dự án: “Thành lậpTrung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân” để thực hiện:

* Hoàn thành các thủ tục thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

* Ký kết các Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân tỉnh với các ngành chức năng như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Nhà nước…làm cơ sở hợp tác thực hiện các hoạt động của Trung tâm.

* Xây dựng kinh phí hoạt động của Trung tâm từ các nguồn:

- Nguồn hỗ trợ của Nhà nước về hoạt động thường xuyên của Trung tâm (mua sắm thiết bị, văn phòng phẩm cho văn phòng Trung tâm và trả lương cho 01 phó Giám đốc phụ trách chuyên môn)

- Nguồn thu từ hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm theo đăng ký với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của Sở Tư pháp tỉnh.

- Nguồn thù lao từ việc tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác và làm dịch vụ.

d. Kinh phí thực hiện dự án: Kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm hàng năm là: 68.000.000 đồng. 

4. Dự án: “ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở giai đoạn 2012-2020”.

a. Mục tiêu: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội các xã, phường, thị trấn ( gọi tắt là cấp cơ sở) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

b. Nội dung dự án:

- 5 năm tổ chức 2 lớp đào tạo trình độ trung cấp “Công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân” đối với chủ tịch, phó chủ tịch HND cấp cơ sở có trình độ trung học cơ sở trở lên chưa có bằng Trung cấp.

- Hàng năm tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội theo chương trình tập huấn 10 ngày đối với chủ tịch, phó chủ tịch HND cấp cơ sở có bằng Trung cấp trở lên chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

- Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh có Kế hoạch cử cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện tham gia các lớp bồi dưỡng giảng viên kiêm chức do Trung ương Hội NDVN tổ chức nhằm chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên cho các lớp của tỉnh.

- Hàng năm, căn cứ thực trạng nhu cầu công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với trường Chính trị tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân cấp huỵên, cấp cơ sở để trình duyệt kinh phí và tổ chức thực hiện.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm: 

Đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ (100%):  818.000.000 đồng

II. CÁC DỰ ÁN DO HỘI  NÔNG DÂN PHỐI HỢP THỰC HIỆN

1. Dự án : “Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”.

a. Mục tiêu: Hội Nông dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ và cải tạo môi truờng nông thôn nhằm góp phần để đến năm 2020 tất cả các vùng nông thôn trong tỉnh chất thải, rác thải trong sản xuất và sinh hoạt được thu gom và xử lý.

b. Nội dung dự án:

- Bằng các hình thức phù hợp, hàng năm tổ chức 30 (lớp, buổi) tập huấn, nói chuyện chuyên đề nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp và tiếp nhận thông tin, phổ biến những kinh nghịêm, giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề môi trường cụ thể đang diễn ra trên đồng ruộng, trong đời sống làng, xã để nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn nhằm thay đổi hành vi, thái độ ứng xử và hành động, chủ động tham gia cải thiện và bảo vệ môi trường nông thôn.

- Xây dựng 8 mô hình điểm: “ Khu dân cư nông nghiệp sạch” tại 8 huyện, thị, thành phố nhằm xây dựng mô hình tổ nông dân thu gom, phân loại, xử lý chất thải, rác thải, mô hình sản xuất nông nghiêp sạch và sinh hoạt nông thôn văn minh nhằm huy động mọi nguồn lực trong bảo vệ môi trường nông thôn, đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

- Vận động hội viên nông dân tham gia nhân rộng mô hình “Khu dân cư nông nghiệp sạch” ra toàn tỉnh.( mỗi cơ sở 01 mô hình).

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở Dự án “Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”, hàng năm Hội Nông dân xây dựng kế hoạch thực hiện và kinh phí triển khai chủ yếu bằng ngân sách địa phương chi cho sự ngiệp môi trường hoặc huy động các nguồn tài trợ từ Quĩ Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm: 866.000.000 đồng

Trong đó: - Kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ: 314.000.000 đồng

                 - Kinh phí nông dân tự đóng góp: 552.000.000 đồng

2. Dự án: “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hộ hội viên nông dân nghèo”

a. Mục tiêu: Trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập; góp phần tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của hộ hội viên, nông dân nghèo, nhằm tham gia làm giảm số hộ nghèo trong tỉnh.

b. Nội dung dự án:

- Mỗi năm tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ về thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Vận động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với quy hoạch của tỉnh nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao, tăng thu nhập cho hộ nghèo.

- Mỗi năm xây dựng 8 mô hình giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo và nhân ra toàn tỉnh.

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hộ hội viên nông dân nghèo”, hàng năm Hội Nông dân xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và dự toán kinh phí để được bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm:

 (Đề nghị ngân sách hỗ trợ 100%): 225.000.000 đông.

3. Dự án: “ Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”

a. Mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; xây dựng và nhân rộng một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuât-kinh doanh của nông dân với các thành phần kinh tế để sản xuất nông sản hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, góp phần thúc đẩy thương mại nông thôn phát triển.

b. Nội dung dự án:

- Mỗi năm tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền, vân động để hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nhằm sản xuất nông sản hàng hoá có năng suất, chất lượng, số lượng, mẫu mã…đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Mỗi năm xây dựng 8 mô hình nhóm nông dân liên kết với các thành phần kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân biết căn cứ vào thị trường để sản xuất hàng hoá tập trung và có đơn vị chế biến tiêu thụ sản phẩm tin cậy theo các hợp đồng được ký kết.

- Xây dựng các mô hình liên kết giữa các chủ trang trại, các làng nghề để tổ chức sản xuất - chế biến nông sản hàng hoá, đồng thời tổ chức tiêu thụ hoặc làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hoá cho các hộ nông dân.

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở Dự án “ Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”, hàng năm Hội Nông dân tỉnh chủ động xây dựng, đề xuất những mô hình, dự án thống nhất với Sở Công Thương và lập dự toán kinh phí tương ứng với phần nhiệm vụ Hội được giao thực hiện, để được bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội. 

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm: 243.000.000 đồng

Trong đó: - Kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ: 124.000.000 đồng

                 - Kinh phí nông dân tự đóng góp: 119.000.000 đồng

4. Dự án Tham gia các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

a. Mục tiêu: Giúp hội viên, nông dân nắm bắt và áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh cho hội viên, nông dân nhằm nâng cao năng suất, chât lượng sản phẩm. Đồng thời nhân ra diện rộng những mô hình trình diễn khuyến nông- khuyến lâm-khuyến ngư đã thực hiện có hiệu quả cao.  

b. Nội dung dự án:

- Mỗi năm tổ chức 28 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh.

- Mỗi năm tổ chức 2 lớp “ tiểu giáo viên” nhằm bồi dưõng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng truyền thụ kinh nghiệm SX-KD cho những nông dân giỏi, các nghệ nhân có tay nghề cao trở thành đội ngũ cộng tác viên khuyến nông theo hình thức: “ Nông dân hướng dẫn nông dân”. 

- Mỗi năm nhân rộng 10 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao.

- Xây dựng các mô hình câu lạc bộ nông dân giúp nhau phát triển SX-KD

c. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở Dự án “Tham gia thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư”, hàng năm Hội Nông dân xây dựng kế hoạch cụ thể thống nhất với Sở Nông nghiệp&PTNT và lập dự toán kinh phí tương ứng với phần hoạt động Hội được giao để được bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm.

d. Kinh phí thực hiện dự án hàng năm: 523.000.000 đồng 

Trong đó : - Kinh phí đề nghị ngân sách hỗ trợ : 388.000.000 đồng

    - Kinh phí nông dân tự đóng góp : 135.000.000 đồng

 

Phần thứ năm

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Tổ chức thực hiện đề án.

1. Tỉnh Hội:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án nhằm cụ thể hoá Đề án này.

- Tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương Hội NDVN phát động gắn với thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

- Chủ động phối hợp với Chính quyền, các Sở, ngành, doanh nghiệp và nhà khoa học … xây dựng và triển khai các Chương trình, dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.

2. Các huyện, thị, thành Hội:

- Tổ chức phổ biến sâu rộng nội dung Đề án đến cán bộ, hội viên, nông dân tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội để tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả tại địa phương.

3. Các sở, Ban, ngành chức năng.

 Hội Nông dân đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Hội Nông dân thực hiện các Chương trình, dự án liên quan theo Quyết định số: 673/QĐ-TTg  ngày 10 tháng 5 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ về việc: “ Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

II. Kinh phí thực hiện đề án.

Tổng kinh phí thực hiện đề án hàng năm: 13.743.000.000 đồng

     ( Mười ba tỷ bảy trăm bốn mươi ba triệu đồng)

  Trong đó:

    - Kinh phí đề nghị ngân sách địa phương hỗ trợ: 11.359.000.000 đồng

    - Kinh phí tự có ( do Hội vận động + người dân đóng góp): 2.384.000.000 đồng

 

Phần thứ sáu

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

 

  Căn cứ Quyết định số 673/QĐ-TTg và Thông báo số 693-TB/TU ngày 23/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc: “Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”; đề nghị UBND tỉnh sớm ra Quyết định về việc thực hiện Đề án và chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành phối  hợp thực hiện.

 

                                                                                    TM. ĐẢNG ĐOÀN 

                                                                                           BÍ THƯ

                                                                                                                                             

                                                                                                                                                 Đã  ký

                                                                                                                                         Nguyễn Văn Thống 

Đánh giá mục này
(2 bỏ phiếu)
Số lần xem 3345 lần

HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
© Bản quyền thuộc về HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU. Địa chỉ: Khu Hành Chính Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
 TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  XÂY DỰNG HỘI  HOẠT ĐỘNG HỘI  VĂN BẢN HỘI  HỎI ĐÁP                                   Website được phát triển bởi Trung Tâm CNTT&TT T.BRVT